BĐS 6 tháng đầu năm: Tác động điều hành của nhà nước chưa rõ

23/06/2014

 Theo TS Phạm Sỹ Liêm thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2014 là sự vượt khó của thị trường, tác động chính sách điều hành của nhà nước chưa nhiều.

 Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, Bộ Xây dựng ghi nhận giao dịch BĐS thành công tăng mạnh. Trong đó Hà Nội ước tính có khoảng 4.000 giao dịch bất động sản thành công (gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2013).

Tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước đã giảm 45.029 tỷ đồng (trên 35%) so với quý I/2013, riêng Hà Nội giảm 36% và Tp.HCM giảm 45% (so với quý I/2013).

Trong khi đó, ông Phan Thành Mai - Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng nhận định, năm 2014 là năm chính thức kết thúc điểm đáy và thị trường BĐS bắt đầu khởi sắc.

Thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2014 đã có nhiều khởi sắc
Thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2014 đã có nhiều khởi sắc

Đồng quan điểm với những đánh giá trên, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS khởi sắc do nền kinh tế chung của cả nước dần vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên theo TS Liêm, vai trò tác động của chính sách của nhà nước với thị trường còn chưa thực sự rõ ràng. Cụ thể trong lúc thị trường BĐS chạm đáy, Chính phủ đưa ra gói “cứu trợ” 30.000 tỉ đồng nhưng việc giải ngân còn chậm, đến thời điểm này mới được hơn 2.156,3 tỉ đồng, trong khi tổng số vốn cam kết cho vay mới ở mức 3.954,4 tỉ đồng chiếm 13,2% tổng nguồn vốn.

Cùng với đó, việc phân bổ nguồn tiền trong gói 30.000 tỉ đồng theo ông Liêm không hợp lý, trong 30.000 tỉ đồng sẽ có 10.000 tỉ đồng được dành phát triển nhà ở xã hội, còn lại 20.000 tỉ đồng hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, có khó khăn về nhà được vay với lãi suất ưu đãi.

TS Phạm Sỹ Liêm trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực).
TS Phạm Sỹ Liêm trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực).

“Chỉ 1/3 số tiền dùng phát triển nhà là chưa đủ, nếu cho người thu nhập thấp vay 20.000 tỉ đồng, bây giờ họ cũng không có nhà để mua. Phân bổ nguồn vốn như vậy là chưa hợp lý”, ông Liêm phân tích.

Mặt khác, TS Phạm Sỹ Liêm nhận định, hướng phát triển thị trường BĐS như hiện nay của Việt Nam ngược lại với thế giới. Trước đây khi thị trường BĐS sôi động, đối tượng khách hàng được nhắm đến là người có thu nhập khá trở lên nhưng hiện nay khi thị trường chạm đáy, đối tượng khách hàng được quan tâm lại là người thu nhập thấp và trung bình.

Điều này dẫn đến bất cập, khi thị trường sôi động, nhu cầu nhà ở thật của người thu nhập khá và cao là không nhiều do đó họ tận dụng cơn sốt BĐS để buôn bán làm giàu. Trong khi hiện nay nhu cầu nhà ở là có thật với người thu nhập thấp nhưng với giá BĐS hiện vẫn ở mức cao và đang có xu hướng tăng trở lại.

“Thị trường BĐS đã quên đi đối tượng khách hàng rất lớn hiện nay đó là những người có thu nhập trung bình và trung bình khá, ngưỡng những người thu nhập 10 triệu đồng/tháng hiện nay nhiều, với thu nhập đó, họ không mua được nhà ở xã hội nhưng cũng không đủ để mua nhà ở thương mại với giá cao hiện nay. Thị trường cần chú ý đến đối tượng này để có sản phẩm BĐS phù hợp”, TS Liêm nêu vấn đề.

“Còn riêng với nhà ở xã hội trên thế giới, chỉ có Việt Nam xây nhà ở xã hội để bán, còn các nước xây nhà ở xã hội để cho người thu nhập thấp thuê với giá phù hợp”, ông Liêm nói.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường lại gánh thêm lo ngại về việc một số nhà thầu Trung Quốc có thể sẽ bỏ các dự án BĐS đang thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên nhìn góc độ quản lý, ông Liêm cho rằng: Việc nhà thầu Trung Quốc bỏ dự án BĐS không đáng lo ngại bởi với trình động công nghệ hiện nay, doanh nghiệp BĐS trong nước hoàn toàn có thể thực hiện tốt các dự án BĐS cao cấp. Hoặc trong trường hợp dự án công nghệ cao có thể lựa chọn nhà thầu nước ngoài ở các nước khác.